24/10/2024
Chuyên đề
Kiểm định kết cấu theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP
Ngày 24 tháng 11 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ). Nghị định này có hiệu lực thi thành từ ngày 10/01/2020.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH giới thiệu một số nội dung liên quan đến công tác kiểm định kết cấu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy, cụ thể như sau:
Một số điểm mới trong công tác kiểm định kết cấu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy
- Mục 4, Phụ lục V của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định việc kiểm định PCCC đối với các vật liệu và chất chống cháy. Tuy nhiên, mục 5, Phụ lục VII của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định việc kiểm định PCCC đối với mẫu cấu kiện và mẫu kết cấu được bảo vệ bằng chất hoặc vật liệu chống cháy.
- Như vậy, theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì sẽ không kiểm định giới hạn chịu lửa của sơn, vữa chống cháy hoặc vật liệu dùng để sản xuất các loại cửa, vách ngăn cháy mà kiểm định giới hạn chịu lửa của cấu kiện (cửa ngăn cháy, vách ngăn cháy, van ngăn cháy, kính ngăn cháy…), kết cấu (dầm, cột, sàn, tường…) được bảo vệ bằng chất và vật liệu chống cháy (sơn chống cháy, vữa chống cháy hoặc vật liệu chống cháy khác…).
- Mục đích của việc sử dụng kết cấu được bảo vệ bằng chất hoặc vật liệu chống cháy là nhằm nâng bậc chịu lửa cho nhà, công trình.
Ví dụ: Nhà khung thép tiền chế có bộ phận chịu lực là các kết cấu thép có giới hạn chịu lửa R15 (15 phút) thì có bậc chịu lửa là bậc IV, tuy nhiên nếu các kết cấu thép này được bọc bảo vệ bằng sơn chống cháy và đạt được giới hạn chịu lửa là R90 thì sẽ nâng bậc chịu lửa cho nhà lên thành bậc II (quy định tại Bảng 4 Quy chuẩn 06:2020/QCBXD).
- Đối với mỗi loại tiết diện, hình dạng (I, H , tròn, hộp, rỗng…) và kích thước của kết cấu thép khác nhau và vị trí bố trí khác nhau được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy đều phải thử nghiệm giới hạn chịu lửa để có kết quả cụ thể, tương ứng.
Ví dụ: Một công trình xây dựng sử dụng kết cấu thép có các loại cột, dầm, kèo có các tiết diện, hình dạng (I, H tròn, hộp…) và kích thước khác nhau được bố trí ở vị khác nhau (chính giữa công trình, góc công trình hoặc chỉ có một mặt tiếp xúc với mặt lửa…) được bọc bảo vệ bằng một loại sơn chống cháy yêu cầu phải có giới hạn chịu lửa R60 phút thì từng loại cột, dầm, kèo thép này tùy theo từng hình dạng, kích thước và vị trí bố trí sẽ đều thử phải thử nghiệm đạt giới hạn chịu lửa R60 phút để xác định từng cấu tạo cụ thể của lớp sơn bọc bảo vệ tương ứng.
- Tiêu chuẩn để thử nghiệm các loại kết cấu, cấu kiện ngăn cháy:
- Đối với cửa ngăn cháy: TCVN 9383-2012;
- Kính ngăn cháy: ISO 3009:2003;
- Bộ phận ngăn cách đứng không chịu tải (màn, rèm, vách ngăn cháy): TCVN 9311-1:2012; TCVN 9311-8:2012;
- Ống gió: ISO 6944-1:2008;
- Van ngăn cháy: ISO 10294-2:1996.
- Kết cấu bọc bảo vệ bằng chất và vật liệu chống cháy: Kết hợp các tiêu chuẩn BS EN 13381, ISO 834-10 và ISO 834-11.
2. Việc cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, Bộ Công an đã xây dựng Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện PCCC phục vụ công tác kiểm định phương tiện PCCC sau khi Nghị định số 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Quy chuẩn này dự kiến sẽ được ban hành trong Quý II năm 2021.
- Trong thời điểm từ ngày 10/01/2021 đến trước khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện PCCC có hiệu lực: Căn cứ kết quả thử nghiệm, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ xem xét cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho lô cấu kiện ngăn cháy (cửa ngăn cháy, vách ngăn cháy, van ngăn cháy, màn ngăn cháy); kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy.
- Thời điểm khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện PCCC có hiệu lực thi hành: Việc cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho mẫu kết cấu và mẫu cấu kiện ngăn cháy được thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC (theo hướng chỉ kiểm định mẫu và giấy chứng nhận kiểm định mẫu sẽ có hiệu lực trong thời hạn 03 năm hoặc 01 năm tùy theo phương tiện sản xuất trong nước hay nhập khẩu).
3. Đơn vị thực hiện thử nghiệm giới hạn chịu lửa của mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy
Đơn vị được thực hiện việc thử nghiệm giới hạn chịu lửa của mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy (cửa ngăn cháy, vách ngăn cháy, van ngăn cháy, màn ngăn cháy…) là đơn vị phải có năng lực thử nghiệm theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng. Thời điểm hiện tại có thể thực hiện việc thử nghiệm này tại Viện khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng (IBST).
4. Thủ tục kiểm định mẫu kết cấu, cấu kiện ngăn cháy:
NỘI DUNG BÀI VIẾT
- 4.1. Thành phần hồ sơ
- 4.1.1. Thành phần hồ sơ đề nghị kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu, cấu kiện ngăn cháy:
- 4.1.2. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu chống cháy, cấu kiện ngăn cháy:
- 4.2. Thời hạn giải quyết hồ sơ
- 4.3. Nơi nộp hồ sơ và nhận kết quả kiểm định
4.1. Thành phần hồ sơ
4.1.1. Thành phần hồ sơ đề nghị kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu, cấu kiện ngăn cháy:
- Văn bản đề nghị kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC26 ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP) của đơn vị trực tiếp sản xuất, thi công hoặc nhập khẩu kết mẫu kết cấu chống cháy, cấu kiện ngăn cháy, kèm theo đề xuất dự kiến thời gian chế tạo mẫu và thời gian thử nghiệm (nếu có);
- Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc xuất xưởng của các thành phần vật liệu, phụ kiện phục vụ sản xuất, thi công mẫu kết cấu chống cháy, cấu kiện ngăn cháy;
- Giấy chứng nhận chất lượng của các thành phần vật liệu, phụ kiện phục vụ sản xuất, thi công mẫu kết cấu chống cháy, cấu kiện ngăn cháy (nếu có);
- Tài liệu kỹ thuật của mẫu kết cấu chống cháy, cấu kiện ngăn cháy, gồm:
- Tài liệu kỹ thuật của các thành phần vật liệu, phụ kiện;
- Bản vẽ thiết kế thi công;
- Quy trình thi công;
- Văn bản tự đánh giá và cam kết về chất lượng, thời hạn sử dụng của đơn vị sản xuất, thi công.
4.1.2. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu chống cháy, cấu kiện ngăn cháy:
- Các thành phần hồ sơ nêu tại mục 4.1;
- Biên bản kiểm định mẫu kết cấu, cấu kiện ngăn cháy của đơn vị được Bộ Công an cho phép thực hiện công tác kiểm định hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy đã được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC, kèm theo báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm của phòng thí nghiệm chuyên ngành và biên bản xác nhận tham gia giám sát của đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH;
- Biên bản kiểm tra đánh giá quá trình sản xuất, lấy mẫu kết cấu chống cháy, cấu kiện ngăn cháy (Mẫu số PC28 ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP) có sự tham gia và xác nhận giám sát của đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.
4.2. Thời hạn giải quyết hồ sơ
Thời hạn giải quyết hồ sơ được thực hiện theo quy định tại Khoản 10, Điều 38 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.
4.3. Nơi nộp hồ sơ và nhận kết quả kiểm định
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu, cấu kiện chống cháy nộp và nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC về PCCC của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ phận Một cửa) tại Tầng 1, địa chỉ: Số 2A Đinh Lễ, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.
Phòng 7, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH