16/09/2024
Chuyên đề
Một số quy định liên quan đến van ngăn lửa của Chính phủ
Trong nhu cầu cuộc sống hiện nay, hệ thống thông gió không chỉ đảm nhiệm chức năng điều hòa không khí mà còn phải đảm bảo những tiêu chuẩn về an toàn cháy. Trong đó, van ngăn lửa là một giải pháp chống cháy mới và mang đến nhiều tính năng chống cháy vượt trội cho hệ thống thông gió. Vậy van ngăn lửa là gì? Có những tiêu chuẩn và quy trình thử nghiệm như thế nào?
Van ngăn lửa là gì?
Trong hệ thống thông gió, các loại van gió luôn đóng một vai trò quan trọng và mỗi loại đều đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau, bao gồm:
- Van gió VCD: van điều chỉnh lưu lượng trên đường ống.
- Van gió OBD: van điều chỉnh lưu lượng trên cửa gió.
- Van gió NRD: van một chiều, tự động đóng khi gió đi theo chiều ngược lại.
- Van gió FD: van ngăn lửa, tự động đóng khi xảy ra hỏa hoạn.
Tùy thuộc vào nhu cầu lắp đặt mà chúng ta có thể lựa chọn một hoặc một số loại van gió sao cho phù hợp. Tuy nhiên đối với van ngăn lửa, đây là loại quan trọng nhất và không thể thiếu ở bất cứ công trình xây dựng hoặc nhà ở nào.
Van ngăn lửa thường được lắp đặt ở đường ống dẫn khí (ống gió) từ gian phòng này sang gian phòng khác hoặc từ không gian cháy này sang không gian cháy khác. Nhiệm vụ chính của loại van này là ngăn không cho luồng khí nóng hoặc lửa từ đám cháy có thể lây lan sang những vị trí lân cận. Hiện tại trên thị trường có 2 loại van ngăn lửa chính đó là van ngăn lửa sử dụng độ cơ và van ngăn lửa sử dụng cầu chì:
- Van ngăn lửa gắn động cơ là loại được tích hợp các bộ phận cảm biến và mô tơ tự động đóng. Khi xảy ra đám cháy, các mô tơ sẽ hoạt động và đóng van. Tuy nhiên, giải pháp này chưa được phổ biến vì hiệu năng sử dụng không cao và giá thành đắt đỏ.
- Van ngăn lửa sử dụng cầu chì là loại được ưa chuộng ở hầu hết các công trình xây dựng và nhà ở. Thay vì sử dụng mô tơ hoạt động, loại van này sử dụng cầu chì nhiệt với khả năng tự cháy cầu chì khi luồng khí đi vào đạt từ 70 độ C trở lên. Sau khi cầu chì bị cháy, van điện sẽ tự động kích hoạt và đóng sập các cánh van bằng sức ép của lò xo. Từ tính chất cấu tạo, van ngăn lửa cầu chì sẽ có hiệu năng hoạt động tuyệt đối và giá thành thấp hơn 50% so với van gắn động cơ.
Tiêu chuẩn thử nghiệm van ngăn lửa
Một số tiêu chuẩn thử nghiệm van ngăn lửa được quy định bởi Nhà nước như sau:
Tiêu chuẩn để thử nghiệm khả năng chịu lửa của van ngăn cháy bao gồm:
- Tiêu chuẩn ISO 10294-1:1996 – Fire resistance test – Fire damper for air distribution system – Part 1. Test Method (Thử nghiệm khả năng chịu lửa – Van ngăn cháy cho hệ thống phân phối khí – Phương pháp thử)
- Tiêu chuẩn ISO 10294-2:1999 – Fire resistance test – Fire damper for air distribution system – Part 2. Classification, criteria an field of application of test result (Thử nghiệm khả năng chịu lửa – Van ngăn cháy cho hệ thống phân phối khí – Phân loại, tiêu chí và phạm vi áp dụng kết quả thử nghiệm)
- Tiêu chuẩn ISO 10294-3:1999 Fire resistance test – Fire damper for air distribution system – Part 3. Guidance on the test method (Thử nghiệm khả năng chịu lửa – Van ngăn cháy cho hệ thống phân phối khí – Hướng dẫn thử nghiệm)
- Tiêu chuẩn ISO 10294-4:2001 Fire resistance test – Fire damper for air distribution system – Part 4: Test of thermal release mechanism (Thử nghiệm khả năng chịu lửa – Van ngăn cháy cho hệ thống phân phối khí – Thử nghiệm cơ cấu kích hoạt bởi nhiệt)
Theo Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD, van ngăn cháy được áp dụng cho công trình xây dựng và nhà ở phải đáp ứng khả năng ngăn cháy, cách nhiệt dựa trên tiêu chuẩn E hoặc EI trong chống cháy, trong đó:
- Đảm bảo tính toàn vẹn (E): Van ngăn lửa phải đáp ứng tính toàn vẹn trong một thời gian tối thiểu được quy định khi tiếp xúc đám cháy.
- Đảm bảo tính cách nhiệt (I): Van ngăn lửa phải đáp ứng tính cách nhiệt trong một thời gian tối thiểu được quy định khi tiếp xúc đám cháy.
Quy trình thử nghiệm van ngăn lửa
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, quy trình thử nghiệm van ngăn lửa được tóm tắt như sau:
Chuẩn bị mẫu thử nghiệm
Mẫu thử van ngăn cháy nên là loại lớn nhất và được nhà sản xuất xác định sản xuất trong tương lai. Mẫu thử nên là loại được sử dụng trong thực tế có thể đại diện cho toàn bộ sản phẩm khác trong lô và bao gồm tất cả chi tiết lắp đặt có ảnh hưởng đến khả năng sử dụng.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị ít nhất 2 mẫu thử cho 1 sản phẩm cùng với bản hướng dẫn lắp đặt trong thực tế. Kết quả được xác định có thể áp dụng cho những mẫu nhỏ hơn mà không cần tiếp tục làm thử nghiệm.
Tiến hành thử nghiệm
Đơn vị thử nghiệm tiến hành đo đạc kích thước và lắp đặt mẫu thử trước khi tiến hành thử nghiệm. Sau đó, đơn vị tiếp tục thực hiện đóng mở van ngăn cháy 50 lần để xác định các hư hỏng ban đầu. Các bước thử nghiệm đốt mẫu van ngăn cháy được thực hiện như sau:
- Lắp đặt mẫu thử vào buồng đốt và mở khóa van cháy.
- Kết nối mẫu thử van ngăn cháy vào các thiết bị đo đạc.
- Mở quạt hút cho gió thông qua van ở tốc độ 0,15 m/s với độ lệch dưới mức ±15%.
- Tắt quạt hút và giữ nguyên những cài đặt khác trước đó.
- Bắt đầu khởi động lò đốt, quạt thông gió và các thiết bị đo đạc.
- Sau 2 phút, nếu van ngăn cháy không tự động đóng thì kết thúc thử nghiệm. Nếu van cháy đóng, tiếp tục duy trì áp suất ở mức áp suất -300 Pa và tiến hành duy trì, ghi lại kết quả thử nghiệm.
Xác định kết quả thử nghiệm
Giá trị kết quả thử nghiệm dựa trên cơ cấu kích hoạt tự động đóng mở cùng độ rò rỉ khói (S), tính toàn vẹn (E) và tính cách nhiệt (I) được tính theo số phút thử nghiệm mà mẫu thử không xảy ra ít nhất 1 trong các hiện tượng như sau:
Xác định tính toàn vẹn (E)
- Mẫu thử sụp đổ hoàn toàn hoặc có lửa cháy hơn 10 giây ở bề mặt không lộ lửa.
- Mẫu thử xuất hiện các khe hở, kiểm tra khe hở phát hiện miếng đệm bông có vết nứt hoặc lỗ hổng có lửa cháy ổn định.
- Xuất hiện khe hở bề mặt rộng 6mm và xuyên 150mm hoặc rộng 25mm.
Xác định tính cách nhiệt (I)
- Mẫu thử làm tăng nhiệt độ lên 1400K so với nhiệt độ trung bình ban đầu (nhiệt độ trung bình ban đầu là nhiệt độ được đo ở bề mặt không lộ lửa khi chưa tiến hành thử nghiệm).
- Mẫu thử làm tăng nhiệt độ lên 1800K so với nhiệt độ trung bình ban đầu ở bất cứ vị trí nào…
Xác định độ rò rỉ khói (S)
Khoảng thời gian mẫu thử luôn đạt mức độ rò rỉ khói dưới 360 m3/h.m2 ISO 10294-3:1999.
Xác định cơ cấu kích hoạt tự động đóng mở
Kết quả kiểm tra cơ chế tự động đóng mở dựa vào ISO 10294-4:1999 và phải tối thiểu dưới 2 phút kể từ khi bắt đầu thử nghiệm.
Van ngăn lửa là một trong những giải pháp ngăn cháy, cách nhiệt hiệu quả trong hệ thống thông gió của công trình xây dựng và nhà ở. Lựa chọn van ngăn lửa đạt tiêu chuẩn kiểm định của Nhà nước để mang đến sự bảo vệ an toàn cho con người khỏi những rủi ro về cháy nổ.